Hội thảo khoa học “Quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía”

5/15/2023 7:46:54 AM

Hội thảo khoa học “Quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía”

Nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía làm cơ sở để xây dựng các biện pháp kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường; chiều ngày 09/5/2023, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía”.

 

Đây là Hội thảo thứ 2 nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm cây mía trong sản xuất theo hướng hữu cơ vùng mía nguyên liệu Bắc Trung Bộ” do TS. Lê Thị Thanh Huyền – Giảng viên khoa Nông Lâm ngư nghiệp làm chủ nhiệm đề tài.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/d27b0803b19a6ec4378b5-20230509063014-e.jpgĐại biểu tham dự chụp ảnh tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có bà Trần Thị Lụa và bà Nguyễn Thanh Nga - Viện Nông hóa Thổ nhưỡng. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Đinh Ngọc Thức – Phó trưởng phòng QLKHCN & HTQT; các tác giả có bài tham luận; lãnh đạo và các cán bộ giảng viên khoa Nông Lâm Ngư nghiệp.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/150a4aa0f2392d6774281-20230509063015-e.jpg

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/2c37fcc2445b9b05c24a2-20230509063013-e.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Với 13 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng viên trong và ngoài trường được tập hợp tại kỷ yếu; Hội thảo tập trung thảo luận về một số chủ đề chính như: Thực trạng sử dụng phụ phẩm ngọn, lá mía tại vùng Bắc Trung Bộ; thực trạng sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp tại vùng Bắc Trung Bộ; hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm ngọn, lá mía; đề xuất các biện pháp kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm ngọn, lá mía nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/5c952f2196b849e610a96-20230509063016-e.jpg

TS. Lê Thị Thanh Huyền - Giảng viên khoa Nông Lâm Ngư nghiệp trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Lê Thị Thanh Huyền - Giảng viên khoa Nông Lâm Ngư nghiệp đã trình bày tham luận với chủ đề: "Thực trạng sử dụng tàn dư ngọn, lá mía trên đồng ruộng tại vùng mía nguyên liệu Bắc Trung bộ”. Theo đó, TS. Lê Thị Thanh Huyền đã đánh giá thực trạng sử dụng tàn dư ngọn, lá mía trên đồng ruộng tại vùng mía nguyên liệu Bắc Trung bộ; chỉ ra các ưu điểm, nhược điểm của các hình thức xử lý ngọn lá mía trên đồng rộng của bà con nông dân hiện nay. Trên cơ sở đó, TS. Lê Thị Thanh Huyền cho rằng việc nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý phế phụ phẩm và tái sử dụng tàn dư ngọn lá mía trên đồng ruộng thành nguyên liệu sản xuất, hạn chế vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường tại vùng trồng mía nguyên liệu các tỉnh Bắc Trung Bộ là rất cần thiết.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/be795402ea9b35c56c8a10-20230509063014-e.jpg

Bà Trần Thị Lụa - Viện Nông hóa Thổ nhưỡng trình bày tham luận tại Hội thảo

Bà Trần Thị Lụa - Viện Nông hóa Thổ nhưỡng lại quan tâm đến vấn đề phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật có khả năng phân giải nhanh phụ phẩm cây mía (ngọn lá mía). Bà Trần Thị Lụa cho biết: Theo số liệu thống kê và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn, hiện cả nước có khoảng 146.938 ha diện tích trồng mía vụ 2021/22. Ngành mía đường Việt Nam phấn đấu đến 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250.000 ha, đến 2028 đạt quy mô 300.000 ha. Cùng với đó là việc để lại nguồn phụ phẩm rất lớn sau khi thu hoạch sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do quá trình phân hủy, sử dụng sai mục đích hoặc đốt đồng tràn lan khi vệ sinh đồng ruộng. Trong thực tế cho thấy nguồn hữu cơ từ chất thải trồng trọt có thể tận dụng tái sử dụng, xử lý trở thành nguồn hữu cơ có giá trị vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Thấy rõ điều đó, bà Trần Thị Lụa và nhóm nghiên cứu đã chọn tạo được 04 chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy nhanh xenlulo để làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm xử lý ngọn lá mía thành nguồn nguyên liệu hữu cơ có chất lượng cao, bao gồm: I5 (Bacillus amyloliquefaciens); ĐK 18.1 (Bacillus velezensis); ĐK 17.2 (Bacillus amyloliquefaciens); CA T1.2 (Bacillus siamensis).

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/7ec45d17e48e3bd0629f8-20230509063016-e.jpg

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại Hội thảo 

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/f81025a59b3c44621d2d11-20230509063014-e.jpg

 Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/ad8534908a0955570c189-20230509063013-e.jpg

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò của chất hữu cơ trong quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp; xu hướng ứng dựng chế phẩm vi sinh trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp; một số công nghệ mới ứng dụng xử lý phế phẩm trồng trọt; một số kết quả nghiên cứu về hiệu quả của biện pháp xử lý ngọn lá mía trên đồng ruộng đến đặc tính nông hoá của đất.

 

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/c4bfea7152e88db6d4f93-20230509063014-e.jpg

TS. Lê Văn Cường – Trưởng khoa Nông Lâm Ngư nghiệp phát biểu chủ trì Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Lê Văn Cường – Trưởng khoa Nông Lâm Ngư nghiệp nhấn mạnh: Với nội dung phong phú, đa dạng của các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp, Hội thảo khoa học “Quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía” đã thật sự trở thành diễn đàn trao đổi chuyên môn học thuật của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với các cán bộ giảng viên của Trường đại học Hồng Đức chia sẻ, công bố các kết quả nghiên cứu mới và đề xuất được các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm ngọn, lá mía. Đồng thời, TS. Lê Văn Cường cũng đề nghị Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện đề tài NCKH cấp Bộ và sớm triển khai các nội dung của đề tài vào thực tiễn sản xuất, từ đó đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng nguyên liệu mía của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung./.

Tin liên quan